LỊCH SỬ MÀU TRẮNG: MÀU CỦA SỰ SỐNG, CÁI CHẾT, ĐÁM CƯỚI VÀ MÙA ĐÔNG

Views: 1020 -

Ở rất nhiều nơi trong thế giới hiện đại, trắng được nhìn nhận như là màu sắc của bất kỳ thứ gì tươi sáng và tinh khiết, của đám cưới và mùa đông ở xứ sở thần tiên. Tại một số vùng, nó tượng trưng cho sự thuần khiết, ngây thơ và sạch sẽ; còn ở một số vùng khác thì là cái chết, tang tóc và bước sang cuộc đời mới. Đa phần mọi nơi đều coi màu trắng là đại diện của thần thánh. 

Theo lý thuyết quang học, ánh sáng trắng là tổ hợp của tất cả các màu trong dải quang phổ. Cũng như ánh sáng đen, về bản chất thì trắng không phải màu sắc và không tồn tại màu trắng nguyên bản. Vậy tại sao nghệ sĩ vẫn bị nó mê hoặc trong nhiều thế kỷ như vậy? Mời các bạn đọc bản dịch bài viết của Winsor & Newton (Link blog của Winsor&Newton: http://bit.ly/3urhhXF) để tìm hiểu thêm về lịch sử của thứ không-phải-màu-sắc kỳ diệu này nhé:

** Tham khảo các màu trắng sơn dầu còn hàng sẵn của Hino: bit.ly/3XetBXs hoặc shope.ee/4KkofXkq0q 

WHITE PIGMENTS (HẠT MÀU TRẮNG)

Mặc dù ánh sáng trắng không phải là màu sắc, nhưng khi trắng được sử dụng để chỉ hạt màu vật lý, nó vẫn được coi là màu. Hạt màu trắng có rất nhiều nguồn gốc như canxit, titan dioxit, kẽm oxit và chì. Màu trắng chì nổi tiếng độc hại và gây tử vong từng được sử dụng bởi nhiều nghệ sĩ và còn được dùng làm một sản phẩm mỹ phẩm - chẳng hạn như “Venetian ceruse” (Một loại hỗn hợp làm trắng da) - trong hàng thế kỷ.

Xa hơn kể về trước, phần trắng - thường tạo thành từ khoáng chất canxit - từng được dùng trong nghệ thuật và trang trí trên đá thời kỳ Tiền Sử. Một trong số những loại phấn hay được tìm thấy nhất làm từ một loại trầm tích đá vôi mềm, hình thành theo thời gian từ sự tích tụ của các sinh vật phù du cực nhỏ định cư dưới đáy biển sâu. Một vài ví dụ về nghệ thuật từ đá vôi trắng vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay với quy mô rộng lớn, có thể kể đến Ngựa trắng Uffington - ngọn đồi ở Oxfordshire với hình vẽ từ phấn trắng cổ đại nhất tại Anh, có niên đại hơn 3000 năm tuổi.

 

THẦN THÁNH VÀ SỰ THUẦN KHIẾT

Trong rất nhiều nền văn hóa, trắng biểu trưng cho sự thuần khiết và ngây thơ, trong khi ở vài nền văn hóa khác thì nó là màu của cái chết và thế giới bên kia. Tôn giáo chính là sợi dây liên kết hai quan điểm trái ngược này, bởi dù là nền văn hóa nào thì màu trắng cũng đại diện cho những gì thiêng liêng, thần thánh ở cả sự sống và cái chết.  Các nữ tư tế trong nền văn minh Ai Cập và La Mã cổ đại mặc áo choàng trắng, trong khi nhiều công trình tôn giáo, chẳng hạn như Wat Rong Khun (Đền Trắng) ở Thái Lan, được đúc bằng bê tông trắng hoặc đá cẩm thạch.

Hans-Jürgen Neubert, CC BY 4.0 <https://creativecommons.org/licenses/by/4.0>, via Wikimedia Commons

Hans-Jürgen Neubert, CC BY 4.0 <https://creativecommons.org/licenses/by/4.0>, via Wikimedia Commons

Giáo hoàng của Công giáo La Mã mặc áo choàng trắng, các nhà sư Phật giáo và tu sĩ Thần giáo tại Nhật cũng mặc đồ trắng. Trắng còn là màu của đồ lễ cúng tế như bát, tượng và bàn thờ. Trong những kiệt tác thời kỳ Phục Hưng, màu trắng được dùng để miêu tả thiên thần, nhằm cho thấy sự tương phản rõ rệt với tình trạng hỗn loạn cùng cực nơi Địa ngục - ví dụ như kiệt tác gây chấn động năm 1562 “The Fall of the Rebel Angels” (Sự sụp đổ của các thiên thần nổi loạn) của Pieter Bruegel the Elder.

Pieter Brueghel the Elder, Public domain, via Wikimedia Commons

Pieter Brueghel the Elder, Public domain, via Wikimedia Commons

Tiếp đến là những ý nghĩa văn hóa biểu thị sự thuần khiết của màu trắng, có thể kể đến như “lời nói dối vô hại” (white lies), lá cờ trắng giương lên trong chiến tranh thể hiện đầu hàng trong hòa bình hoặc màu trắng “dương” trong triết lý âm dương của Đạo giáo Trung Hoa đại diện cho những thứ tốt đẹp, ánh sáng và mặt trời để cân bằng với mặt tối “âm” mang màu đen. 

Hiện tại váy cưới trắng là lựa chọn kinh điển với ý nghĩa tượng trưng cho sự trinh nguyên và một khởi đầu mới, nhưng thực chất xu hướng này bắt nguồn từ một tuyên ngôn về thời trang: Chiếc váy cưới ren trắng của Nữ hoàng Victoria năm 1840 đã truyền cảm hứng cho rất nhiều người học theo - còn trước đó, cô dâu sẽ mặc bộ váy đẹp nhất của mình trong ngày hôn lễ, bất kể nó là màu gì. 

Kể từ đó cũng chẳng ngăn cản được việc nghệ sĩ khắc họa những hình tượng thuần khiết ngây thơ - nhất là nhân vật nữ - bằng màu trắng. Bức tranh sơn dầu năm 1888 của John William Waterhouse “The Lady of Shalott” miêu tả khung cảnh lãng mạn của một cô gái ngồi trên thuyền trong những giờ phút cuối cùng trước khi chết vì tình yêu đơn phương, do đó giữ nguyên trinh tiết của mình cho tới tận lúc chết.

John William Waterhouse, CC BY 3.0 <https://creativecommons.org/licenses/by/3.0>, via Wikimedia Commons

John William Waterhouse, CC BY 3.0 <https://creativecommons.org/licenses/by/3.0>, via Wikimedia Commons

SỰ SẠCH SẼ VÀ NHỮNG ĐƯỜNG THẲNG GỌN GÀNG

Màu trắng trong thế kỷ 20 và thế kỷ 21 thường đại diện cho sự sạch sẽ và những đường nét gọn gàng. Như một kết quả tất yếu, nó đã trở thành nền tảng phổ biến cho rất nhiều kiến trúc đương đại. Phong trào Hiện đại chứng kiến những tòa nhà góc cạnh màu trắng ngày càng trở nên phổ biến, từ Nhà hát Opera Sydney cho tới căn Villa Dirickx ở Brussels, Bỉ. 

Ngày nay, titan đioxit được dùng làm sơn phủ, bê tông hoặc thạch cao trắng trong xây dựng, mang tới màu trắng lì cho những tòa nhà và ấn tượng nhất là, nó giúp những tòa nhà này hoạt động như một thiết bị chống ô nhiễm nhờ khả năng lọc của mình - titan dioxit xóa bỏ các oxit nitơ có hại khỏi không khí qua quá trình “quang xúc tác”. Ví dụ như tòa nhà Palazzo Italia ở Milan do hai kiến trúc sư Nemesi là Michele Molè và Susanna Tradati thiết kế cho Hội chợ Triển lãm Milan Expo năm 2015 - được họ giới thiệu là chịu ảnh hưởng từ một “khu vườn đô thị”.

Màu trắng còn thường được sử dụng trong những không gian yêu cầu sạch sẽ và đảm bảo vệ sinh như chăn ga và đồ dùng trong khách sạn, áo blouse của bác sĩ và y tá trong bệnh viện hay của những nhà khoa học, thợ kỹ thuật trong phòng thí nghiệm cùng như tạp dề của thợ làm bánh, đồ tể hoặc đầu bếp trong những căn bếp chuyên nghiệp. Bức tranh “Trạm sơ cứu St Mary trong ánh nến” (St Mary’s First Aid Post by Candlelight) năm 1941 của Anna Zinkeisen cho thấy sự thay đổi vai trò người phụ nữ trong xã hội cũng như hình tượng của họ trong nghệ thuật. Thay vì bị miêu tả đơn thuần là những đối tượng đẹp đẽ cuốn hút, tác phẩm thực sự phác họa cảnh tượng chân thực của những nữ y tá trong bộ đồng phục đang bị bao quanh bởi dụng cụ y tế. Ở một góc độ khác, bởi vì quần áo trắng rất khó vệ sinh sạch nên nó thường được dùng làm trang phục trang trọng và trở nên phổ biến trong tầng lớp trung và thượng lưu đang phát triển. Không thể bỏ qua “Cổ cồn trắng” - cụm từ gợi nhắc đến người mặc là những nhân viên công sở trong chiếc sơ mi trắng với nghề nghiệp địa vị cao, đối lập với bộ đồ công nhân màu xanh của người lao động chân tay.

Zinkeisen, Anna Katrina, Public domain, via Wikimedia Commons

Zinkeisen, Anna Katrina, Public domain, via Wikimedia Commons 

MÙA ĐÔNG TRẮNG

Bởi vì tuyết phản chiếu mọi màu sắc và ánh sáng nảy ngược ra từ những tinh thể của nó nên tuyết mới mang màu trắng. Đây là một trong những màu sắc đặc trưng nhất của mùa đông - gợi nhắc đến cành tầm gửi, tuần lộc trắng và trải nghiệm một mùa Giáng Sinh trắng xóa khi trời đổ tuyết trong mùa lễ hội. 

Văn hóa bản địa Alaska và Canada có khoảng 40 - 50 thuật ngữ dùng để miêu tả trạng thái tuyết khác nhau, còn tiếng Sami của người bản địa ở phía Bắc Scandinavia thì có đến hàng trăm từ - từ “njáhtso” - tuyết ướt cho đến “hablik” - nghĩa là tuyết nhẹ như bụi.

Các nghệ sĩ đã có một quá trình dài tìm cách khắc họa cảnh tuyết bằng màu trắng, khơi gợi nhiều cung bậc cảm xúc với khung cảnh thiên nhiên - từ tĩnh lặng cho tới bão tố. Rất nhiều họa sĩ trường phái Ấn tượng sống và đặc biệt vẽ hàng loạt bức tranh mùa đông lạnh giá, cực kỳ chú tâm vào hiệu ứng của ánh sáng khác nhau trên nền tuyết, sự tương phản, bóng tối và ánh nắng - như Claude Monet từng vẽ hơn 100 cảnh tuyết khác nhau trong cuộc đời của ông và nổi tiếng với việc vẽ trực họa cảnh quan trong trời đông lạnh thấu da thịt. 

Tuyết cũng là đề tài khắc họa mùa đông trong tranh in khắc gỗ Nhật Bản. Thay vì dùng pigment trắng, tranh thường được tạo ra bằng cách để trống màu - nghệ sĩ sẽ chừa khoảng trống trên giấy Washi để tạo không gian phủ tuyết trắng, ví dụ như trong loạt tranh “Năm mươi ba trạm dừng trên đường Tokaido” (Fifty-three Stations of the Tôkaidô Road) của Utagawa Hiroshige sáng tác khoảng năm 1840.

20230110_KMBjZrjF9BJbqfvO.jpg

Utagawa Hiroshige, Public domain, via Wikimedia Commons

Niềm đam mê với màu trắng của chúng ta khiến cho thứ-không-phải-màu-sắc trở nên đầy ý nghĩa, cho dù là khoảng trống hay  không gian sạch sẽ, hay để tạo nên những tuyên bố màu trắng táo bạo trong kiến trúc, thời trang và nghệ thuật.


Web Design by Web Design by Nhanh.vn Nhanh.vn