Hướng dẫn cách đọc thông tin màu vẽ trên bao bì sản phẩm

Lượt xem: 3376 -

Khi mua màu vẽ, nhiều người sẽ nhận thấy rằng mỗi hãng màu nước uy tín sẽ có những dòng chữ và kí hiệu khác nhau trên nhãn hiệu để nhận biết ađược thông tin về màu. Về cơ bản, các thông tin quan trọng như tên màu, số series, chỉ số bền (lightfastness), tính trong/đục, thông tin pigment và các chứng nhận sức khỏe, nơi sản xuất sản phẩm... tất cả đều phải được list ra rõ ràng trên bao bì tuýp màu. Với dạng pan thì bao bì sẽ bị xé bỏ ngay từ đầu, việc tra cứu phải nhờ vào catalogue hoặc Google nên sẽ cực hơn một chút.


Thông thường, nhiều họa sĩ sẽ chủ động tìm catalogue sản phẩm trên các website để tra cứu đầy đủ thông tin về màu trước khi chọn mua. Tại Hinoart, shop vẫn thường tặng catalogue cho khách mỗi khi xin dư được từ hãng - đặc biệt là cho các khách hàng mua sơn dầu họa sĩ Holbein.

1. SỐ SERIES

Số series là thông tin mang tính 'báo giá' cho sản phẩm, được quyết định dựa vào giá thành của pigment làm ra màu đó. Các màu series cao không có nghĩa sẽ tốt hơn các màu series thấp, chỉ đơn giản là do pigment làm ra màu đó có giá đắt hơn hoặc hiếm hơn. Tuy vậy, các màu series cao nhất và có giá đắt nhất vẫn thường phải là màu có bền sáng (lightfast) phù hợp với tiêu chuẩn trưng bày. Một số hãng màu cho ra các dòng màu "Hue" sử dụng ít pigment hoặc các pigment thay thế để cho ra những màu series thấp, bán song song với các màu series cao. Giả sử như các màu Cobalt, Cadmium, Vermilion, Viridian... thường thuộc các series cao nên sẽ có những màu Cobalt Blue Hue, Vermilion Hue... thuộc series thấp là lựa chọn song song với giá thành rẻ hơn, dù chất lượng đương nhiên sẽ không bằng màu sử dụng pigment nguyên chất. 

Các hãng như Holbein sẽ xếp series theo ký tự bảng chữ cái A, B, C, D...
Các hãng như W&N Pro và Daniel Smith sẽ xếp series theo số 1, 2, 3, 4...

2. ĐỘ BỀN (LIGHTFASTNESS/PERMANENCE)


Lightfastness hay độ bền của màu khi tiếp xúc với ánh sáng là thông tin quan trọng được các họa sĩ cực kỳ quan tâm, vì chỉ số độ bền này sẽ quyết định cho việc họ có thể dùng màu đó vào tác phẩm của mình hay không. Giải thích đơn giản thì có rất nhiều pigment tạo ra màu sẽ nhanh phai khi tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên, giả sử như tranh trưng bày lâu ngày sẽ bị mất màu dần theo thời gian. Các dòng màu học sinh đều có chỉ số bền thấp hơn rất nhiều so với màu họa sĩ, đây là sự phân biệt đẳng cấp rõ nhất giữa hai bên. Với các họa sĩ theo quy chuẩn fine-art vẽ tranh trưng bày thì tuyệt đối không thể dùng những màu nhanh phai, các họa sĩ theo minh họa và các ngành in ấn tác phẩm thì có nhiều tự do hơn trong việc chọn cho mình tông màu ưa thích.

Các màu sắc có độ tươi chói cao nhờ phụ gia như Opera, màu dạ quang Luminous... và nhiều màu dạng lỏng pha từ thuốc nhuộm (Dye) đều thuộc nhóm có độ bền sáng thấp. Một số màu đã pha sẵn trắng như một số tông vẽ da (Jaune Brilliant) cũng có thể chỉ có độ bền trung bình.

Holbein sẽ xếp độ bền sáng theo chấm sao (*) từ 0 cho đến 3 (***).
Winsor & Newton sẽ xếp theo chỉ số từ AA (extremely permanent - cực bền) cho tới F (fugitive - nhanh phai).
Daniel Smith sẽ xếp theo nhóm I (Xuất sắc); II (Rất tốt); III (Tạm ổn); IV (Nhanh phai), kèm theo ký tự (NR) = Not Rated, Independent Rating (Không xếp hạng chính thức, hãng tự test không theo quy chuẩn chung) cho một số màu nhất định.

3. TÍNH TRONG/ĐỤC


Tính trong/đục của màu vẽ cũng không liên quan tới chất lượng, mà được quyết định bởi tính chất đặc thù của pigment có trong màu. Các màu thuộc nhóm Cadmium hay các màu da có pha thêm màu trắng (pigment PW6) thường có tính chất đục, trong khi các màu thuộc nhóm Quinacridone sẽ thường có tính chất trong. Màu trong có thể đắp lớp trong suốt tạo độ sâu mà vẫn hiện rõ lớp bên dưới, màu đục có khả năng che phủ vẽ mảng mịn rất tốt. Với các màu gốc nước cách nhanh nhất để test độ trong/đục của màu là vẽ thử màu đè lên 1 đường line kẻ bằng bút đen kháng nước.

Một số sản phẩm bao bì màu Nhật không ghi rõ tính trong đục bằng ký hiệu hay tiếng Anh mà lại dùng tiếng Nhật: 透明 = trong suốt Transparent; 半透明 = bán trong Semi-transparent ; 不透明 = màu đục Opaque. Với màu nước lưu ý không nhầm màu nước có tính đục với 不透明水彩 (Opaque Watercolor) là cách người Nhật dùng để gọi màu Gouache. Dòng màu nước Holbein Irodori đặc biệt có tính chất chung là màu bán đục (Semi-opaque).

4. PIGMENT

Màu vẽ được làm từ bột màu pigment kèm chất kết dính (binder), tỉ lệ giữa pigment và phụ gia chính là yếu tố quan trọng nhất để phân loại chất lượng màu vẽ. Giả sử như màu học sinh sẽ dùng ít pigment, nhiều phụ gia hoặc thay thế hoàn toàn pigment bằng chất tạo màu công nghiệp; màu họa sĩ luôn dùng pigment tiêu chuẩn và hạn chế phụ gia.


Nhiều họa sĩ kỳ cựu từng khuyên: ĐỪNG quan tâm tới bất kỳ thông số nào khác trên bao bì màu ngoại trừ PIGMENT. Đây sẽ là thông tin duy nhất có thể quyết định được chất lượng sản phẩm một cách tỉnh táo và minh bạch nhất. Thông tin pigment thường được thể hiện bằng các ký tự theo nhóm như PV (Violet), PB (Blue), PG (Green), PY (Yellow)... và ghép với số tạo thành những tên pigment như PV19, PG15... Rất nhiều màu từ các hãng khác nhau được quảng cáo với các tên khác nhau nhưng thực chất là sử dụng cùng 1 pigment, cũng có nhiều trường hợp hai màu từ 2 hãng có tên giống nhau nhưng dùng các pigment khác nhau.



Có nhiều bài test nâng cao giả sử như Tinting Test để giúp họa sĩ tự kiểm tra độ thuần khiết và lượng pigment/phụ gia sử dụng trong màu.

Một số dòng màu đặc biệt như Daniel Smith Primatek sử dụng pigment là đá bán quý tự nhiên nên thông tin pigment sẽ chỉ ghi tên đá (gs: genuine amethyst). Một số khác như màu truyền thống Nhật (Nihonga) sẽ ít khi có thông tin pigment đầy đủ, hoặc có bao gồm những loại bột màu truyền thống không có tên hóa học theo quy chuẩn quốc tế.



5. ĐỘ BÁM GIẤY STAIN/EASY-LIFT
Đơn giản là thông số về độ bám giấy của màu sau khi để khô hẳn trên giấy. Một số màu thuộc nhóm STAIN (bám mạnh) đã vẽ lên giấy sẽ rất khó dùng nước để 'lift' bớt đi, một số màu khác thuộc nhóm EASY-LIFT chỉ cần chấm thêm nước và gạt nhẹ bằng cọ 1-3 lần là có thể 'rửa' đi kha khá màu.

Thông tin này thường có trong catalogue của một số hãng và ít khi tìm thấy trên bao bì sản phẩm truyền thống.

6. Thông tin về độc chất trong màu và chứng nhận kiểm tra an toàn sức khỏe

Màu vẽ đều phải đạt chuẩn về an toàn sức khỏe cho người sử dụng theo các điều lệ quốc tế, giả sử như ASTM D4236.

CÙNG HINO THAM KHẢO QUA THÔNG TIN MÀU SẮC TRÊN BAO BÌ SẢN PHẨM MỘT SỐ HÃNG KHÁC NHAU NHÉ!

 


Thiết kế web bởi Thiết kế web bởi Nhanh.vn Nhanh.vn