Story of Materials: những áp lực, đam mê và tình yêu với bút-màu-giấy-cọ (London 2011 to Hanoi 2020)

Lượt xem: 6306 -

1/ ÁP LỰC, TRÁCH NHIỆM VÀ TÌNH YÊU

Họa cụ là máu thịt của họa sĩ, là nguyên liệu để tạo ra những tác phẩm dựa trên ý tưởng và kỹ năng của người họa sĩ đó. Đa số chúng ta đều bắt đầu bằng sự tự do trong lựa chọn, dần dần mới hình thành những kén chọn riêng trong tầm budget và đến một lúc nào đó sẽ hiểu được con đường của áp lực, trách nhiệm và tình yêu trong việc sử dụng họa cụ cao cấp.

Nói về cá nhân thì mình cũng đã bắt đầu như bao bạn trẻ khác bằng hộp màu Pentel với lọ mực Tàu mua trước cổng trường Yết Kiêu. Khi sang Anh du học vào 11 năm trước, mình được tiếp cận những họa cụ cơ bản có sẵn tại studio trường như chì Faber Castell, acrylic Daler Rowney, gouache Caran d’Ache… Hồi đầu mình cũng nghĩ “xài gì cũng được miễn vẽ đẹp”, nên một điều mình thầm cảm ơn bản thân hồi đó là khi chọn mua set màu nước đầu tay là 1 set W&N Professional 24 màu thay cho set Cotman 45 màu cùng giá. Một phần là vì cảm tính, một phần vì chị người Nhật cùng khóa khuyên dùng, còn lại là do set Pro metal box đó trông đẹp hơn. Và đó bỗng trở thành bước ngoặt lớn trong cách mình tiếp cận màu nước cũng như họa cụ nói chung: hãy mua về sản phẩm tốt nhất bạn có thể chi trả, chất lượng luôn hơn số lượng.

Hino đang chọn mua màu lẻ W&N Pro để dùng với set 24 màu - Ảnh chụp tại London 2011

Đam mê với họa cụ từ đó dần hình thành. Trước kỳ nghỉ Noel, mình đã nhờ vả ăn vạ bạn học người Nhật mua giùm 1 set màu Holbein Irodori, mượn dùng thử mấy box set Copic 72 màu từ cô bạn cùng nhà người Hong Kong (mà hồi đó cũng như bây giờ đều chưa có tiền mua 😊 ). Mình hay nhẩn nha thu lượm họa cụ lẻ tẻ theo ý thích, cái gì mình cũng thử miễn có cơ hội nhưng để vẽ nghiêm túc thì LUÔN LUÔN chọn sản phẩm dòng họa sĩ. Áp lực dùng họa cụ cao cấp chỉ thực sự bắt đầu vào năm cuối đại học. Trong góc nhìn của các nghệ sĩ “high art” tại Anh, bạn có thể chọn vẽ tranh bằng nước cống thì cũng phải đóng khung gỗ mộc thật đẹp, còn tranh vẽ bằng màu học sinh thì không đáng chấm điểm. Tụi mình đã phải vác nhau lên Atlantis đặt khung tranh với giá 90 bảng/khung, đến London Graphics Centre mua tập portfolio đựng tranh lót nhung với giá 75 bảng chưa kèm sleeves. Tất cả cố gắng đầu tư họa cụ tốt nhất chỉ để “được chấm điểm” chứ không còn tí đam mê nào trong đó hết.

Giấy, canvas và portfolio! Nhìn những kệ tủ giấy thật đáng ghen tị và mơ ước! - Ảnh chụp tại London 2011

Tuy nhiên cuối cùng thì, áp lực đó cũng có sự hữu ích của riêng nó. Sau khi về VN năm 2014 và chứng kiến một thị trường họa cụ miền Bắc tràn ngập trong hàng fake cũng như hàng TQ, mình đã phải tự thân đi mày mò tìm cách mua họa cụ tốt về sử dụng, kết hợp kinh doanh nhỏ để có chi phí trang trải cho chính đam mê vẽ của bản thân. Vì có được sự tín nhiệm của khách hàng qua kinh nghiệm sử dụng hạng họa sĩ từ thuở sinh viên, đại diện các hãng họa cụ lớn đang nằm vùng tại VN lúc đó đã "bắt sóng" được mình và qua rất nhiều hỗ trợ từ chính hãng, mình đã đủ động lực và tự tin mở ra Hino Art Materials - cửa hàng bán lẻ chính hãng họa cụ hạng họa sĩ đầu tiên tại Hà NộiSau đó, mình đã có cơ hội đi thăm những shop họa cụ lớn tại Mỹ và Nhật Bản – sau mỗi chuyến đi đều có thể thu nhặt về những thứ đáng tiền nhất. Chuyến đi giá trị nhất có lẽ là đi thăm nhà máy sản xuất của Holbein và Akashiya vào năm 2017, nơi mình được tận mắt chứng kiến từ A đến Z quy trình sản xuất, kiểm tra và phân phối, quản lý những lô hàng màu vẽ hạng họa sĩ tỉ mỉ và phức tạp như thế nào. 

Nói thật, mình là người không hay tin vào review họa cụ từ các họa sĩ khác – nhất là khi tác phẩm của họ không chứng minh được cho điều họ nói. Giả sử họ có thể khen màu Lapis Lazuli lên tới tận trời mà không hề nhận ra, màu Lapis Lazuli công nghiệp do họ sử dụng dù giá thành đắt - nhưng có sắc tố xanh xỉn kém tươi hơn hẳn so với màu xanh ngọc huyền thoại. Sau khi quen với các anh chị em họa sĩ có đam mê sưu tập, tự điều chế pigment (hay còn gọi là hội chơi đá) mới được dạy cho biết Lapis lazuli đó xỉn là do pigment chứa nhiều tạp chất, không phải được tổng hợp từ Lapis Lazuli grade cao. Cơ hội được nhìn thấy quy trình sản xuất và được tiếp cận với những người đi tìm hiểu cái “gốc” của màu sắc là vô cùng quý giá, vì từ đó mình càng dễ định hình được những gì mình đang nhập về bán cho khách hàng cũng như sử dụng mỗi ngày.

Chiến lợi phẩm ngày hôm ấy: màu nước lẻ W&N Pro và mực W&N, giấy Arches với bút giấy craft - Ảnh chụp tại London 2011


2/ MUA HỌA CỤ CÓ SỢ FAKE KHÔNG?

Ngày đi học thì giáo viên từng bảo tụi mình đừng mua đồ tại những cửa hàng rẻ như Cass Art – chẳng vì lý do gì cả, chắc mua tại nơi đắt hơn thì có vẻ sang chảnh hơn. Thực tế thì sau này mình đã nói chuyện với sales manager và cả người sáng chế từ các công ty họa cụ uy tín như Winsor & Newton hay Holbein, họ cho biết rằng shop nào nhập số lượng lớn thì có chiết khấu cao chứ hàng hóa các bên chẳng khác gì nhau cả.  Mình cũng đã gặp nhiều trường hợp họa sĩ ở VN nghĩ rằng họa cụ xách tay thì tốt hơn mua tại các retailer chính hãng trong nước, tuy nhiên khi mình gơi ý họa sĩ cứ thử hỏi chính hãng xem hàng ở đâu tốt hơn thì không ai phản hồi nữa. Dùng họa cụ tốt không sợ fake, vì có một bài toán đơn giản thế này về sản xuất và thương mại: hàng càng phổ thông hay có biên lợi nhuận cao thì mới càng “đáng” để làm fake. Mua nhu yếu phẩm như sữa rửa mặt và văn phòng phẩm như cây marker thì còn có thể sợ fake – chứ họa cụ cao cấp là mặt hàng cực kỳ “niche”, một thị trường giới hạn với mức chi tiêu tầm thường so với những sở thích xa hoa như nước hoa, rượu, đồng hồ… thì làm fake kiếm đâu ra lợi nhuận?

Kho lưu trữ các lô màu vẽ được quản lý bằng mã vạch, toàn bộ sample của hàng sản xuất trong 10 năm đều được Holbein lưu trữ tại đây - Hình Hino chụp tại nhà máy Holbein ở Nara 2017

 Một số nhà sản xuất Trung Quốc thay vì làm fake đã tự phát triển thương hiệu của riêng họ với concept tương tự và giá thành rẻ hơn nhiều, tuy nhiên chất lượng thì không có kiểm chứng quốc tế - vốn là căn cứ cơ bản nhất để một thương hiệu có được uy tín hạng họa sĩ. Giả sử nổi tiếng nhất là các dòng bút Touchlit hay Touch fake design và thương hiệu của ShinHan Touch, hay các dòng màu tách lớp TQ vốn mượn concept từ màu Daniel Smith. Dù rất được ưa chuộng bởi giới sinh viên tại VN do giá thành rẻ, những dòng sản phẩm này không được giới họa sĩ nước ngoài công nhận và một số sản phẩm vi phạm bản quyền thương hiệu như Touchlit đã từng bị cảnh sát đem tiêu hủy hàng loạt tại một hội chợ ra mắt các brand họa cụ ở Đức. Một số sản phẩm khác đã có hàng fake lưu hành trong thị trường như Sakura, hay thị trường lưu hành nguồn hàng không chính ngạch như White Nights… nay cũng đã được các đại diện hãng đứng ra bảo hộ bằng nhiều biện pháp hữu hiệu. 

Màu vẽ hạng họa sĩ cũng có shelf life lên đến hàng thập kỷ và đều được quản lý từng lô theo mã vạch. Nếu một tuýp màu chính hãng chỉ qua vận chuyển về VN thôi mà chất lượng bị ảnh hưởng thì bên duy nhất phải chịu trách niệm chính là hãng sản xuất.  Sản phẩm lỗi dù hiếm vẫn có thể có, nhưng là lỗi đóng gói chứ bản thân bên trong không vấn đề gì.

Cửa vào một tiệm họa cụ địa phương - Ảnh chụp tại Cambridge 2012

3/ VỚI THU NHẬP CỦA HỌA SĨ VIỆT NAM THÌ HỌA CỤ CAO CẤP CÓ XA XỈ?

Với mức thu nhập của họa sĩ Việt Nam thì sử dụng họa cụ cao cấp có phải một điều xa xỉ không? Với tất cả sự đồng cảm dành cho các họa sĩ và sinh viên VN vì bản thân mình cũng từng phải chắt nhặt từng đồng để mua màu vẽ: mình vẫn nghĩ là KHÔNG, bởi những lý do sau đây:

  1. Nếu muốn có được những kỹ thuật như của họa sĩ nước ngoài, bán được tác phẩm ngang giá với họa sĩ nước ngoài thì việc đầu tư ngang tầm cũng là hoàn toàn hợp lý.
  2. Họa sĩ nước ngoài có thể thu nhập cao hơn, nhưng chi phí trang trải cuộc sống bên đó cũng cao hơn rất rất nhiều. Giả sử ở VN, bạn có thể chi 2tr/tháng cho họa cụ nhưng cũng chỉ 2tr cho việc thuê 1 căn phòng làm studio vẽ, Việt Nam cũng là một trong những nước có value chi phí sản xuất tốt nhất thế giới nên giả sử việc đóng bàn tủ, khung tranh, di dời... đều có giá thành chấp nhận được. Ở nước ngoài, các chi phí phát sinh này đều rất cao.
  3. Hãy thử so sánh với các nước lân cận có cùng mức thu nhập hoặc thấp hơn, như Lào hay Cambodia. Các nhà phân phối nói với mình rằng, họa sĩ tại các nước này không dùng màu Trung Quốc. Cá nhân mình đã từng đón 1 đoàn các họa sĩ người Cambodia tham gia IWS tới shop, họ đam mê chọn lựa và chỉ muốn đồ tốt mà thôi! Người anh em Thái Lan thì khỏi nói rồi nhé, cái gì cũng có với mức giá cao hơn VN khoảng 20%! Nhiều hãng họa cụ cao cấp như W&N, Cretacolor nói rằng họ bán chạy hàng ở cả Nepal, Ai Cập và Mông Cổ. Đâu phải chỉ có các nước thu nhập cao mới dùng đồ tốt nào?
  4. Họa cụ truyền thống có thể là một mảng đầu tư dần dần, mỗi tháng một chút tùy sức họa sĩ chứ không phải một khoản lớn ngay từ đầu.
  5. Đã hình thành tiêu chuẩn trong giới họa sĩ VN. Dù tiêu chuẩn này vẫn còn chưa rõ ràng và dễ mông lung, khách hàng tới shop mình đa số tin vào nguyên tắc “tiền nào của nấy”. Một số bạn nói thẳng luôn “Giờ ai còn chép tranh nữa đâu mà dùng hàng Tàu làm gì”… và không tiếc tiền đầu tư để nâng giá tác phẩm cũng như nâng tầm kỹ thuật và trải nghiệm cá nhân.
  6. Vì xứng đáng với công sức và tâm huyết lao động hàng giờ, ngày và thậm chí là mất nhiều tháng năm mới hoàn thành xong tác phẩm!
  7. Kể cả với người mới học, lời khuyên là sau 12 tuổi vẫn nên sử dụng họa cụ thật tốt vì những kiến thức thu được trong quá trình học tập, rèn luyện sẽ giúp người vẽ cảm thụ giá trị của các tác phẩm nghệ thuật tốt hơn, rút ngắn khoảng cách giữa nghệ thuật và xã hội. 

Cửa hàng có 3 tầng: tầng 2 bán giấy/canvas/phụ kiện, tầng 1 bán màu/bút/cọ và dành nguyên 1 tầng hầm cho họa cụ trẻ em! - Ảnh chụp tại London 2011

4/ …VÀ NHỮNG THÁNG NĂM TIẾP THEO?
Có nhiều bạn thấy chúng tôi “nói hay lắm mà làm không tới” không nhỉ? Mình hoàn toàn nhận ra và không bao giờ rời mắt khỏi những điều “không tới” ý. Giải thích cho những ai chưa biết thì “phân phối chính hãng/chính ngạch” là để chỉ quy trình  khi có 1 [nhà phân phối độc quyền làm việc cùng nhà sản xuất] ->> [phân phối lại cho các nhà bán lẻ như Hino] ->> [bán ra cho khách hàng]. Có rất nhiều nhà bán lẻ tự nhận họ là “độc quyền” với “phân phối chính hãng” nhưng thực ra đó chỉ là những cái mác nhằm giúp thu hút tin tưởng của khách hàng. Tất cả các nhà bán lẻ đều ở vị thế giống nhau, có khác chăng chỉ ở việc ai bán hàng 100% chính hãng và ai bán hàng pha trộn “fake” hay tiểu ngạch mà thôi. Một nhà sản xuất hoàn toàn có thể thuộc sở hữu của 1 tập đoàn phân phối quốc tế lớn hơn, và hiện tượng “mất độc quyền” cũng có thể xảy ra khi có trục trặc với chính sách của tập đoàn phân phối quốc tế đó, dẫn tới thiếu hàng hay giá cả không ổn định cho một số nhỏ các thương hiệu.

Cho tới bây giờ mình vẫn nghĩ, có những cá nhân đứng ra khởi xướng thị trường phân phối họa cụ sớm như vậy vẫn là một điều may mắn. Đa số những người đi trước mà mình đã gặp đều là những người ăn học đàng hoàng, có đạo đức nghề nghiệp và hỗ trợ mình nhiều thứ kể từ những ngày đầu mở shop cho tới tận giờ. Vấn đề dai dẳng nhất là ở việc thiếu sản phẩm hay hàng về không đúng lịch, mình dù nhiều lúc thay mặt khách trách móc nhưng vẫn có phần thông cảm. Đứng trong một thị trường mới đã khó khăn, áp lực kinh tế và áp lực từ các bên pháp lý là một điều không hề đơn giản.  

Sau mấy năm qua, cá nhân Hino và các bạn staff vẫn thực lòng yêu thích công việc này. Suốt 25 năm trời đi học-đi làm hồi trước khi mở Hinoart, mình chưa bao giờ hiểu được cảm giác hứng khởi và nôn nóng được tới chỗ làm. Giờ thì thay vì cảm giác mệt mỏi và mong con đường đi cứ dài mãi dài mãi, nay lại niệm cho đường ngắn lại ngắn lại. Mình đã ước mơ có một shop họa cụ từ khi còn đi học, giờ mình rất vui khi nghĩ đến Hinoart bây giờ có thể đem lại cho rất nhiều vị khách cảm giác phấn khích như mình đã từng có trước kia. Thật tâm Hino vẫn mong có thể lớn hơn nữa, vẫn independent, vẫn ghi nhớ nhiều cái "đầu tiên", nhưng lớn hơn. Hãy tưởng tượng Hino sẽ có nhập về những món họa cụ cao cấp làm bạn trầm trồ hơn nữa,  song song lại có thể set-up một gian Kids Section riêng cho cả các bạn nhỏ lẫn các bạn lớn cùng vào chơi, mỗi khi bước vào sẽ lọt thỏm trong một mê cung mãi không muốn về!

Hinoart 2B Trần Thánh Tông (HBT) 2017 và Hinoart Nguyễn Trường Tộ (Ba Đình) 2019 

5/ THAM KHẢO THÊM:
Một số cửa hàng họa cụ mình từng đến thăm trên thế giới, hình ảnh mình sẽ tìm lại và gom thành 1 bài sau nha:

  1. UK: Cass Art, London Graphic Centre, Atlantis (London), Tindalls (Cambridge), Gadsbys (Leiscester)
  2. US: Blick (Seattle); FLAX (San Francisco); Guiry’s (Denver)
  3. Japan: Kawachi; Tokyu Hands; Tools; Holbein Store (Osaka); Akashiya (Nara)
  4. Thailand: Art Supply (MAYA Center – Chiangmai)

Chim chim chim~ Tặng các bạn hình con chim của Hino, phiên bản mẫu thật (1 chú english robin chụp tại Quarry Mill 2014), bản màu nước dùng trên card tiêu chuẩn và phiên bản mùa đông 2020 quá lạnh và quá nghèo bị teo lại còn 8bit :)))


Thiết kế web bởi Thiết kế web bởi Nhanh.vn Nhanh.vn